Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Lấy từ Kinh Sách của ngày lễ

Thân xác Mẹ thánh thiện và thật vinh hiển

Trích tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng của đức giáo hoàng Pi-ô XII.

Khi giảng dạy hay diễn thuyết cho dân ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa Hồn Xác Lên Trời, các thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ vẫn nói về sự kiện Đức Ma-ri-a được đưa lên trời như một chân lý đã được các Ki-tô hữu hiểu biết và tin nhận. Các ngài đã giải thích rõ hơn về sự kiện đó, dựa vào những lý lẽ sâu sắc hơn để trình bày ý nghĩa và bản chất của sự kiện, nhất là cho mọi người thấy rõ hơn rằng: lễ này không phải chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Mẹ.

Thánh Gio-an Đa-mát là vị giảng thuyết trổi vượt về chân lý vẫn được lưu truyền này. Khi so sánh hồng ân Mẹ Thiên Chúa được đưa về trời cả thân xác với các ân huệ và đặc ân khác Mẹ đã nhận được, thánh nhân đã nói rất hùng hồn như sau: “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và phải được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người.”

Còn theo thánh Giê-ma-nô Con-tan-ti-nô, nếu thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa: “Theo Kinh Thánh, Mẹ kiều diễm ; thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết và đích thực là nơi Thiên Chúa ngự. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể tan thành bụi đất. Nhưng, vì là thân xác con người, nên phải được biến đổi mới có thể đạt tới cuộc sống tuyệt vời bất hoại. Tuy nhiên, vẫn chính thân xác ấy nay sống động, vinh hiển rạng ngời, toàn vẹn và được thông chia sự sống hoàn hảo.”

Một tác giả cổ thời quả quyết: “Vì Đức Ma-ri-a là Mẹ hiển vinh của Đức Ki-tô, mà Đức Ki-tô chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh bất tử, nên Mẹ phải được Đức Ki-tô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống thân xác Người, nghĩa là không bao giờ bị hư hoại. Chính Người là Đấng đã cho Mẹ được trỗi dậy, ra khỏi mồ và là Đấng đã đưa Mẹ lên với Người, bằng cách nào thì chỉ một mình Người biết.”

Tất cả những lập luận suy tư của các thánh giáo phụ đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng cuối cùng, mà Kinh Thánh lại trình bày rõ ràng như đặt ngay trước mắt chúng ta một Đấng Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa. Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người Con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Người Con ấy.

Nhất là phải nhớ rằng: ngay từ thế kỷ II, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được các thánh giáo phụ trình bày như E-và mới, mặc dầu lệ thuộc A-đam mới, nhưng lại liên kết hết sức chặt chẽ với A-đam mới trong cuộc chiến chống lại địch thù từ hoả ngục xông lên. Cuộc chiến ấy, như “tiền phúc âm” đã tiên báo, sẽ dẫn đến chiến thắng trọn vẹn trên tội lỗi và tử thần. Trong các tác phẩm của vị Tông Đồ dân ngoại, tội lỗi và tử thần luôn đi đôi với nhau. Vì thế, cuộc trỗi dậy vinh hiển của Đức Ki-tô là phần cốt yếu và chiến lợi phẩm sau cùng trong chiến thắng đó thế nào, thì cuộc chiến mà Đức Trinh Nữ cùng tham gia với Con mình cũng phải kết thúc bằng việc tôn vinh thân xác đồng trinh của Mẹ như thế. Thánh Tông Đồ cũng nói: Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi trong chiến thắng.

Thế nên, ngay từ thuở đời đời, do cùng một quyết định tiền định duy nhất, Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời đã được kết hợp một cách huyền nhiệm với Đức Giê-su Ki-tô, được ơn vô nhiễm khi thành thai, được ơn đồng trinh vẹn tuyền khi làm Mẹ Thiên Chúa, được hết lòng cộng tác với Chúa Cứu Chuộc, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi, thì cuối cùng Mẹ cũng được chiến thắng tội lỗi và tử thần. Chiến thắng này là phần thưởng rất cao quý giữa những đặc ân Mẹ đã được. Nhờ đó, Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng tử thần và cả hồn lẫn xác được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là hoàng hậu sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời.

Share:

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật XIX Mùa Thường Niên, năm B

Bài đọc 2: “Thưa anh em, anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.
” (Êphêsô 4,30 - 5,2)

 


 

Trong bài đọc hai hôm nay, qua lời mời gọi của mình, Thánh Phaolô thôi thúc chúng ta: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.” (Ep 4, 30). Nhưng tôi, tôi tự hỏi: chúng ta làm buồn lòng Đức Chúa Thánh Thần như thế nào? Tất cả chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức, như thế, để không làm phiền lòng Chúa Thánh Thần, thì chúng ta cần phải sống tương xứng với những lời hứa của bí tích Thánh Tẩy. Những lời hứa này, chúng ta đã tuyên hứa lại lần nữa khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Sống tương hợp với những lời tuyên hứa, sống thật lòng, không giả hình, giả bộ: anh chị em đừng quên điều đó. Kitô hữu phải sống tương hợp với danh nghĩa của mình. Những lời hứa trong bí tích Thánh Tẩy gồm có hai khía cạnh: từ bỏ điều xấu và gắn bó với điều thiện.

Từ bỏ điều xấu có nghĩa là nói tiếng “không” với những cơn cám dỗ, với tội lỗi, với satan. Một cách cụ thể hơn, từ bỏ điều xấu có nghĩa là nói tiếng “không” với một nền văn hoá chết chóc được biểu lộ qua việc trốn chạy sự thật, để hướng đến một hạnh phúc giả tạo được biểu lộ qua việc nói dối, lừa gạt, bất công, khinh dể người khác. Tất cả những điều đó, chúng ta phải nói tiếng “không”. Cuộc sống mới được Chúa ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Tẩy bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần thì loại bỏ bất cứ thái độ sống nào nằm dưới quyền kiểm soát của những tình cảm chia rẽ, bất hoà. Để làm được thế, Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta loại bỏ khỏi con tim mình “tính gay gắt, nổi giận, hung hăng, la lối, lăng nhục, [...] cùng với tính hiểm độc dưới bất cứ hình thức  (c. 31). Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói tới. Sáu yếu tố này hay sáu tật xấu này làm xáo trộn niềm vui của Chúa Thánh Thần, sẽ đầu độc con tim và dẫn chúng ta đến việc nguyền rủa Thiên Chúa và tha nhân.

Nhưng không làm điều xấu để sống là một Kitô hữu tốt thì điều đó vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải gắn kết với điều thiện và làm điều thiện. Thánh Phaolô tiếp tục nói như sau: “Mà trái lại, anh chị em hãy tỏ ra tốt lành, sống yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (c. 32). Chúng ta thường nghe một số người nói: “Tôi không làm điều xấu cho ai cả”. Và người ta tưởng mình là một ông thành, một bà thánh. Đúng đó, nhưng điều thiện, điều tốt, bạn có làm không? Có biết bao nhiêu người không làm điều xấu, nhưng cũng chẳng làm điều thiện, và cuộc đời của họ diễn ra trong sự lãnh đạm, vô cảm, hững hờ. Thái độ này đi ngược với Phúc Âm, và nó đi ngược với bản tính của các bạn, đi ngược với bản tính của các bạn là những người trẻ, là những người, tự bản tính, là năng động, là say mê và can đảm. Các bạn hãy nhớ điều đó - nếu các bạn nhớ lại, thì chúng ta có thể cùng nhau lập lại: “Không làm điều xấu là tốt, nhưng không làm điều tốt là xấu.” Chính đó là điều mà Thánh Alberto Hurtado vẫn thường nói.

Ngày hôm nay, tôi khuyến khích anh chị em làm những người chủ chốt trong điều thiện! Anh chị em đừng cảm thấy thanh thản bình tâm khi mình không làm điều xấu; mỗi người đều có tội về việc thiện, việc tốt mà mình đã có thể làm, nhưng rồi mình lại không làm. Không ghét anh chị em mình, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải tha thứ cho anh chị em của mình nữa, không giữ lòng oán hận thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải cầu nguyện cho kẻ thù của mình nữa, không là nguyên nhân gây chia rẽ, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải mang bình an đến những nơi vắng bóng sự bình an nữa, không nói hành nói xấu người khác, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải chấm dứt ngay khi nghe anh chị em mình nói xấu một người nào đó nữa: chặn ngay những câu chuyện ngồi lê đôi mách: đó chính là làm điều tốt. Nếu chúng ta không chống lại điều xấu, thì chúng ta sẽ tiếp liệu cho nó một cách ngấm ngầm. Chúng ta cần phải ra tay can thiệp ở những nơi điều xấu lan tràn; bởi vì điều xấu lan tràn ở những nơi vắng bóng những Kitô hữu can đảm là những người chống lại điều xấu bằng cách làm điều thiện, “khi bước đi trong tình bác ái” (x. 5, 2), dựa theo lời cảnh tỉnh của Thánh Phaolô.

Các bạn trẻ thân mến, trong những ngày qua, các bạn đã đi rất nhiều! Như thế, các bạn đã được đào luyện, và tôi có thể nói hãy bước đi trong tình bác ái, hãy bước đi trong tình yêu! Và chúng ta cùng nhau bước đến Thượng hội đồng Giám mục sắp tới. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, qua lời bầu cử đầy tình mẫu tử của Mẹ, nâng đỡ chúng ta, để mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày, xuyên qua những sự kiện, có thể nói tiếng “không” với điều xấu, và nói tiếng “vâng” với điều thiện. 

Share: