Bài đọc 2: “Thưa anh em, anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.” (Êphêsô 4,30 - 5,2)
Trong bài đọc hai hôm nay, qua lời mời gọi của mình, Thánh Phaolô thôi thúc chúng ta: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.” (Ep 4, 30). Nhưng tôi, tôi tự hỏi: chúng ta làm buồn lòng Đức Chúa Thánh Thần như thế nào? Tất cả chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức, như thế, để không làm phiền lòng Chúa Thánh Thần, thì chúng ta cần phải sống tương xứng với những lời hứa của bí tích Thánh Tẩy. Những lời hứa này, chúng ta đã tuyên hứa lại lần nữa khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Sống tương hợp với những lời tuyên hứa, sống thật lòng, không giả hình, giả bộ: anh chị em đừng quên điều đó. Kitô hữu phải sống tương hợp với danh nghĩa của mình. Những lời hứa trong bí tích Thánh Tẩy gồm có hai khía cạnh: từ bỏ điều xấu và gắn bó với điều thiện.
Từ bỏ điều xấu có nghĩa là nói tiếng “không” với những cơn cám dỗ, với tội lỗi, với satan. Một cách cụ thể hơn, từ bỏ điều xấu có nghĩa là nói tiếng “không” với một nền văn hoá chết chóc được biểu lộ qua việc trốn chạy sự thật, để hướng đến một hạnh phúc giả tạo được biểu lộ qua việc nói dối, lừa gạt, bất công, khinh dể người khác. Tất cả những điều đó, chúng ta phải nói tiếng “không”. Cuộc sống mới được Chúa ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Tẩy bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần thì loại bỏ bất cứ thái độ sống nào nằm dưới quyền kiểm soát của những tình cảm chia rẽ, bất hoà. Để làm được thế, Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta loại bỏ khỏi con tim mình “tính gay gắt, nổi giận, hung hăng, la lối, lăng nhục, [...] cùng với tính hiểm độc dưới bất cứ hình thức (c. 31). Đó là điều mà Thánh Phaolô đã nói tới. Sáu yếu tố này hay sáu tật xấu này làm xáo trộn niềm vui của Chúa Thánh Thần, sẽ đầu độc con tim và dẫn chúng ta đến việc nguyền rủa Thiên Chúa và tha nhân.
Nhưng không làm điều xấu để sống là một Kitô hữu tốt thì điều đó vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải gắn kết với điều thiện và làm điều thiện. Thánh Phaolô tiếp tục nói như sau: “Mà trái lại, anh chị em hãy tỏ ra tốt lành, sống yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (c. 32). Chúng ta thường nghe một số người nói: “Tôi không làm điều xấu cho ai cả”. Và người ta tưởng mình là một ông thành, một bà thánh. Đúng đó, nhưng điều thiện, điều tốt, bạn có làm không? Có biết bao nhiêu người không làm điều xấu, nhưng cũng chẳng làm điều thiện, và cuộc đời của họ diễn ra trong sự lãnh đạm, vô cảm, hững hờ. Thái độ này đi ngược với Phúc Âm, và nó đi ngược với bản tính của các bạn, đi ngược với bản tính của các bạn là những người trẻ, là những người, tự bản tính, là năng động, là say mê và can đảm. Các bạn hãy nhớ điều đó - nếu các bạn nhớ lại, thì chúng ta có thể cùng nhau lập lại: “Không làm điều xấu là tốt, nhưng không làm điều tốt là xấu.” Chính đó là điều mà Thánh Alberto Hurtado vẫn thường nói.
Ngày hôm nay, tôi khuyến khích anh chị em làm những người chủ chốt trong điều thiện! Anh chị em đừng cảm thấy thanh thản bình tâm khi mình không làm điều xấu; mỗi người đều có tội về việc thiện, việc tốt mà mình đã có thể làm, nhưng rồi mình lại không làm. Không ghét anh chị em mình, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải tha thứ cho anh chị em của mình nữa, không giữ lòng oán hận thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải cầu nguyện cho kẻ thù của mình nữa, không là nguyên nhân gây chia rẽ, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải mang bình an đến những nơi vắng bóng sự bình an nữa, không nói hành nói xấu người khác, thì điều đó vẫn chưa đủ, mà còn phải chấm dứt ngay khi nghe anh chị em mình nói xấu một người nào đó nữa: chặn ngay những câu chuyện ngồi lê đôi mách: đó chính là làm điều tốt. Nếu chúng ta không chống lại điều xấu, thì chúng ta sẽ tiếp liệu cho nó một cách ngấm ngầm. Chúng ta cần phải ra tay can thiệp ở những nơi điều xấu lan tràn; bởi vì điều xấu lan tràn ở những nơi vắng bóng những Kitô hữu can đảm là những người chống lại điều xấu bằng cách làm điều thiện, “khi bước đi trong tình bác ái” (x. 5, 2), dựa theo lời cảnh tỉnh của Thánh Phaolô.
Các bạn trẻ thân mến, trong những ngày qua, các bạn đã đi rất nhiều! Như thế, các bạn đã được đào luyện, và tôi có thể nói hãy bước đi trong tình bác ái, hãy bước đi trong tình yêu! Và chúng ta cùng nhau bước đến Thượng hội đồng Giám mục sắp tới. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, qua lời bầu cử đầy tình mẫu tử của Mẹ, nâng đỡ chúng ta, để mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày, xuyên qua những sự kiện, có thể nói tiếng “không” với điều xấu, và nói tiếng “vâng” với điều thiện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét