Việc Chúa Giêsu luôn đảo ngược tình huống như trong câu chuyện nhóm Pharisêu hỏi có nên ném đá người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang ở đây, việc không ai từng làm cho Ngài câm lặng mà Ngài luôn khiến họ câm lặng, là một trong những bằng chứng về thần tính của Chúa Giêsu. Trong Cựu Ước, mỗi khi Thiên Chúa xuất hiện, Ngài đều làm điều đó: Ngài đảo ngược tình huống, Ngài trở thành người đặt câu hỏi, còn kẻ chất vấn Ngài trở thành người bị chất vấn. Ví dụ, trong sách Gióp, Gióp hỏi Thiên Chúa: Tại sao Ngài lại làm điều này với con? Tại sao Ngài lại để con đau khổ nhiều đến vậy? Ngài biết con không đáng chịu điều này. Ngài biết con không phải là kẻ xấu xa nhất thế gian, như ba người bạn gọi là bạn của con đã nói. Tại sao Ngài để điều xấu xảy ra với người tốt? Đây là thứ công lý gì vậy? Cuối cùng Chúa xuất hiện và trả lời Gióp, câu trả lời của Ngài là dưới hình thức những câu hỏi: Ngươi ở đâu khi Ta tạo dựng thế giới và vạch ra câu chuyện cuộc đời ngươi? Ngươi có mặt ở đó để tư vấn cho Ta về kịch bản câu chuyện sao? Ta không thấy ngươi ở giữa các thiên thần của Ta.
Khi Thánh Catarina thành Siena hỏi Thiên Chúa hai câu hỏi quan trọng nhất — đó là “Ngài là ai?” và “Con là ai?” — Thiên Chúa đã trả lời bằng bốn từ: “Ta là Thiên Chúa; ngươi không phải là Thiên Chúa.”
Khi những người Pharisêu nghe câu trả lời của Ngài, tất cả đều ra về, bắt đầu từ những người lớn tuổi và khôn ngoan nhất, vì họ nhận ra rằng giờ đây họ là những người bị chất vấn. Chúa Giêsu ngầm đưa cho họ một thế khó: Họ có dám nói rằng họ không có tội hay không? Nếu họ bảo mình không có tội, họ là những kẻ ngốc nghếch hoặc dối trá nhất thế gian. Nếu thừa nhận họ có tội, họ không có quyền ném đá. Bây giờ họ hiểu rằng họ bị chất vấn, chứ không là kẻ chất vấn. Việc bị Chúa chất vấn chính là bước đầu tiên để có sự hiểu biết.
Chúa chất vấn bằng câu hỏi nào? Câu hỏi mà họ đang được hỏi chính là câu hỏi mà Thiên Chúa đã hỏi Gióp: Ngươi là ai? Đó là câu hỏi mà Thiên Chúa sẽ hỏi từng người trong chúng ta khi chúng ta chết: Ngươi là ai? Hãy cho Ta thấy tất cả mọi điều trong linh hồn ngươi. Nếu Ta thấy Con của Ta ở đó, Ta sẽ nhận ra ngươi và đón tiếp ngươi vào thiên đàng, vì ngươi là người trong gia đình.
Chúa Giêsu sau đó không chỉ trả lời họ mà còn trả lời người phụ nữ. Câu trả lời của Ngài dành cho người phụ nữ có hai phần. Trước hết, lời của Ngài có nghĩa là: “Vì không ai trong những kẻ tố cáo ngươi dám xét xử và buộc tội ngươi, vì tất cả họ đều nhận ra rằng họ cũng là tội nhân, nên Ta cũng không xét xử và buộc tội ngươi — dù Ta không có tội và có quyền xét xử và buộc tội ngươi.”
Mọi người đều vỗ tay trước phần đầu tiên trong câu trả lời của Ngài, nhưng họ thường quên phần thứ hai, phần cũng quan trọng không kém và mang theo với nó quyền năng Thiên Chúa phát ra từ chính đôi môi đó: “Hãy đi, và đừng phạm tội nữa.” Tha thứ không phải là thờ ơ, làm lơ. Chúa không nói, “Không có gì để tha cả.” Tội đã phạm. Ngài không nói, “Đừng lo lắng về chuyện đó.” Cô ấy phải đối mặt với tội của mình. Chúa không chỉ yêu người tội lỗi, mà còn ghét tội, chính vì Ngài yêu người tội lỗi. Ngài biết tội lỗi có hại thế nào và ơn tha thứ thì đắt đỏ chừng nào. Ngài sẽ phải trả giá cho tội lỗi của cô ấy, và Ngài biết cái giá đó đắt như thế nào: Ngài sẽ bị treo trên thập giá.
Ơn tha thứ đòi hỏi một sự bù trả. Khi chúng ta tha một món nợ, chúng ta mất đi một khoản tiền vì chúng ta có ít tiền hơn để trả cho những chủ nợ của mình. Nếu bạn nợ tôi một ngàn đô và tôi tha cho bạn, bạn không phải trả tôi, nhưng tôi vẫn phải trả những người mà tôi nợ — như bạn đã nợ tôi. Tha thứ là một hình thức hy sinh. Nó không dễ dàng hay rẻ tiền. Sự tha thứ của Thiên Chúa thì đắt giá. Bạn thực sự có thể nhìn thấy cái giá đó. Bạn nhìn thấy giá của nó trên mỗi cây thánh giá. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle C)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét