Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Một phẩm trật tư tế mới -- Chúa Nhật thứ XIV Mùa thường niên, năm C

Chúa Nhật thứ XIVMùa thường niên, năm C, cho chúng ta một ví dụ khác về điều mà chúng ta chỉ thấy trong Phúc âm thánh Luca. Nói cách khác, nếu không có Phúc âm thánh Luca, chúng ta sẽ không biết về sự hiện hữu có vẻ huyền bí của nhóm 70 môn đệ Chúa Giêsu đã chỉ định và sai đi rao giảng về Triều đại Thiên Chúa. Đó là điều chỉ có trong Phúc âm thánh Luca và là một đoạn thực sự rất quan trọng. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ xem xét Luca 10:1-12, 17-20.

Đây là sứ mệnh của bảy mươi hoặc trong một số bản dịch, bảy mươi hai (và chúng ta sẽ trở về với điểm). Họ là ai? Nhóm họ mang ý nghĩa gì? Họ được bổ nhiệm để làm gì? Họ nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay khi chúng ta nhìn vào Giáo hội? Chúng ta hãy đọc qua đoạn Phúc âm và sau đó chúng ta sẽ cùng nhau giải nén nó dùng Cựu Ước làm nền tảng.

-----------

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

------------

Rất nhiều điều để chú ý đến trong đoạn này. Điều đầu tiên tôi muốn nói là nếu bạn quen thuộc với đoạn về sứ mệnh của 12 Tông đồ (chẳng hạn như trong Mát-thêu 10, khi Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đến và bảo họ chữa lành những bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và rao giảng Triều đại Thiên Chúa. Và Ngài sai họ đi như sai chiên con đi vào giữa bầy sói), bạn sẽ thấy rất nhiều điểm tương đồng. Nhiệm vụ của nhóm bảy mươi và nhiệm vụ của nhóm Mười hai song song với nhau. Họ rõ ràng có cùng chức năng về việc tông đồ, việc rao giảng của Nhóm Mười hai. Chúa Giêsu cho họ quyền đuổi quỷ và công bố Triều đại Thiên Chúa đang đến giữa trần gian khi Chúa sai họ từng hai người một, đi vào các thành mà Chúa sẽ đến.

Vì vậy, đó là điểm đầu tiên. Đây là bài diễn văn tương tự với sứ mệnh của Nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, rõ ràng là có một sự khác biệt lớn. Đây không là Nhóm Mười hai mà là nhóm 70 người, điều mà chỉ Lu-ca cho chúng ta biết. Khi nghe tôi nói “bảy mươi người”, bạn sẽ gặp câu hỏi “bảy mươi, hay bảy mươi hai?” Bản dịch Revised Standard Version nói bảy mươi, và có chú thích là, “các bản viết cổ khác nói là bảy mươi hai”. Bản dịch New American Bible nói “bảy mươi hai”. Vậy bạn có thể tự hỏi, “Cuối cùng là bao nhiêu môn đệ?” Câu trả lời là chúng ta không biết.

Trong Cựu Ước, con số bảy mươi có ý nghĩa gắn liền với các trưởng lão tư tế Môse chỉ định trong thời Xuất hành. Bạn có thể nhớ lại trong sách Xuất hành chương 24, khi Môse thiết lập Giao ước cũ, ông chọn 70 trưởng lão (từ Hy Lạp có nghĩa là presbuteros) để đóng vai trò những người trung gian, tư tế trung gian giữa Thiên Chúa và mười hai chi tộc Israel, họ cùng với ông Môse lên núi Si-nai để dâng của lễ thay cho dân Israel. Bảy mươi trưởng lão này, sau này được nói đến trong sách Dân số 11: 16-30, Môse đưa các trưởng lão này đi và ông chỉ định họ để giúp ông quản lý và điều hành dân chúng nay đã đông đảo khi họ đi qua sa mạc.

Bạn có thể nhớ, trong sách Dân số 11, Môse nắm quyền quản lý. Ông không thể làm tất cả công việc ông phải làm và cha vợ của ông ta là Jethro nói, hãy chỉ định bảy mươi người để hỗ trợ con cai quản mười hai bộ tộc của Israel. Khi Môse làm điều này, và đây là điều này quan trọng: Thần Khí Chúa ngự xuống trên bảy mươi trưởng lão và họ được xức dầu để lãnh đạo dân Israel. Họ đang ở với Môsê tại Lều Hội Ngộ, nhưng điều xảy ra là hai người đàn ông khác bên ngoài trại, tên của họ là En-đát và Mê-đát, không là tên phổ biến trong truyền thống Kitô giáo sau này, cũng được lãnh nhận Thần Khí Chúa, mặc dù họ không thuộc nhóm Môse đã tập hợp.

Vì vậy, từ sách Dân số nảy sinh là một điểm không rõ ràng. Có bao nhiêu trưởng lão ở đó? Có bao nhiêu tư tế trưởng lão trong thời Xuất hành? Bạn có thể đưa ra trường hợp là bảy mươi (dựa trên núi Sinai), nhưng bạn cũng có thể đưa ra trường hợp là bảy mươi hai trưởng lão dựa trên sách Dân số. Cả hai đều đúng, phải không? Tuy nhiên, điều quan trọng là trong cả hai trường hợp, bảy mươi (hoặc bảy mươi hai) đại diện cho một phẩm trật tư tế của những người lãnh đạo được bổ nhiệm dưới quyền ông Môse và sau đó là nhóm mười hai lãnh đạo của mười hai chi tộc Israel.

Vì vậy, bảy mươi là một con số có ý nghĩa đối với các trưởng lão của Israel, nhưng nó còn có ý nghĩa hơn vì con số bảy mươi hai cũng là biểu tượng ở một nơi khác trong Cựu Ước. Trong sách Sáng thế (không nhiều người biết điều này, nhưng nó quan trọng), Sáng thế chương 11, có một đoạn gia phả dài về các con trai của Nô-ê (Sêm, Kham và Gia-phét), trong đoạn đó liệt kê hết thảy các quốc gia có nguồn gốc từ Sêm, Kham và Gia-phét. Hầu hết đọc giả hiện đại bỏ qua nó vì nó nhàm chán, bởi vì chúng ta không quan tâm đến gia phả. Trong thế giới cổ đại, họ không bỏ qua phần gia phả, họ đọc rất kỹ càng về gia phả. Bảng gia phả đó được gọi là “bảng các quốc gia”, và nó được coi như một danh mục về nguồn gốc của tất cả các dân tộc khác nhau trên thế giới.

Điều hấp dẫn là nếu bạn nhìn vào các bản sao tiếng Híp-ri của Sáng thế 11 và bạn đếm tên các quốc gia, thử đoán xem có bao nhiêu quốc gia? 70 quốc gia! Trong bản Septuagint tiếng Hy Lạp, nó đã được dịch hơi khác một chút và nếu bạn nhìn vào những bản sao đó, hãy đoán xem có bao nhiêu quốc gia dân tộc? Bảy mươi hai. Vì vậy, có một truyền thống nói rằng con số 70 (hoặc 72) đại diện cho con số các quốc gia thị tộc, con số các dân tộc, trên thế giới. Một số truyền thống trong Do Thái giáo sẽ nhìn thấy thế giới qua mười hai bộ tộc của Israel và 70 (hoặc 72) quốc gia dân tộc. Nhân thể, đây cũng là những gì đằng sau bản Septuagint (Cựu ước của Công giáo). Tại sao chúng ta gọi bản Septuagint là bản Septuagint? Vì theo một truyền thống Do Thái là 70 dịch giả Do Thái, đã đến Ai Cập và dịch Kinh thánh sang tiếng Hy Lạp; đó là ngôn ngữ của ai? Đó là ngôn ngữ của các quốc gia; của các nước dân ngoại. Vì vậy, “bảy mươi” là bản dịch của Kinh thánh của Do Thái giáo (Cựu ước) mà các quốc gia trên thế giới có thể đọc được.

Và không chỉ là ngẫu nhiên mà có 70 vị trưởng lão. Nhân thể lúc này để tôi hỏi câu này: bạn hãy đoán xem có bao nhiêu thành viên trong nhóm Sa-đốc ở thành Giêrusalem? Bảy mươi. Vì vậy, bảy mươi có nhiều biểu tượng đầy ý nghĩa trong Cựu Ước.

Nếu bạn như Chúa Giêsu, sống trong thế kỷ thứ nhất A.D. và mọi người nghĩ bạn là Đấng Mêsia, và bạn không chỉ tập hợp một nhóm mười hai người xung quanh mình mà còn chỉ định bảy mươi môn đệ khác để giúp đỡ mình, bạn đang làm gì vậy? Bạn đang nói gì vậy? Ý nghĩa của hành động đó là gì? Ồ, bạn không chỉ là Môse mới, chuẩn bị một cuộc xuất hành mới, mà còn nhiều hơn thế nữa. Bạn đang thiết lập một phẩm trật tư tế lãnh đạo, được bổ nhiệm dưới quyền của bạn, không chỉ đem tin vui cho mười hai bộ tộc của Israel, mà còn để mang tin vui cho mọi quốc gia, dân tộc.

Đây một hành động ngầm ẩn của Chúa Giêsu, Ngài khẳng định thẩm quyền của Ngài; đây là một thiết lập phẩm trật tự tế của Chúa Giêsu, và nó cũng là điều nói trước rằng Phúc âm sẽ không chỉ được rao giảng cho mười hai chi tộc của Israel, nhưng là cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nếu bạn có thể đã bỏ lỡ ý nghĩa của số bảy mươi đó, thì tôi cá là bảy mươi thành viên của nhóm Sađốc khi Chúa Giêsu còn sống đã không thể nào không nhìn thấy ngụ ý của Ngài. Họ sẽ nhìn thấy ý nghĩa của điều Chúa Giêsu làm vì đứng đầu bảy mươi thành viên của nhóm Sađốc là vị thượng tế, bảy mươi người cộng thêm vị thượng tế. Chúa Giêsu không là thành viên của nhóm bảy mươi hay mười hai, Ngài ở trên họ. Ngài tự thiết lập mình là một vị thượng tế mới.

… Trong Cựu Ước, có Môse, kế đến là A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu, ba người cùng đi lên núi với Môse, thêm vào đó là có 12 chi tộc và bảy mươi trưởng lão. Chúng ta thấy một người, ba, mười hai, 70, Môse, A-ha-ron, và hai con trai của ông (ba người), mười hai chi phái và sau đó là bảy mươi trưởng lão.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu làm gì? Ngài là người đứng đầu,… sau đó có Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhóm 3 người giống như A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu, rồi chúng ta có Nhóm Mười Hai. Chỉ Lu-ca cho chúng ta biết rằng có một nhóm thứ năm, và đó là nhóm bảy mươi môn đệ. Đó có phải là một sự trùng hợp không? Chúa Giêsu có biết rằng Ngài đang thiết lập một phẩm trật tư tế với những con số biểu tượng làm người ta nghĩ đến cuộc xuất hành ra khỏi Ai cập không? Tôi nghĩ có; tôi không nghĩ đó chỉ là sự trùng hợp bất ngờ.

Thật đáng chú ý bởi vì khi mọi người nghĩ về Chúa Giêsu… Tôi không biết tôi đã đọc được bao nhiêu lần trong các cuốn sách nói, “Chúa Giêsu không thiết lập chức phẩm linh mục, Ngài không thiết lập thừa tác tư tế. Chỉ là có một nhóm những môn đệ đí theo Ngài, họ cùng Ngài tụ họp lại với nhau và đi khắp vùng Israel. Không có một ý định thiết lập nên một tổ chức nào trong việc đó.” Hoàn toàn không đúng theo sự thật. Bạn sẽ nghĩ như vậy nếu bạn không biết gì về Cựu ước.

Bất kỳ người Do Thái nào ở thế kỷ I biết Kinh thánh, đều biết Người này đi khắp vùng Giuđêa, và đặt mình trên hết mọi người, Ông ấy có ba người rất gần gũi với mình, Ông có nhóm 12, rồi Ông thêm 70 người nữa. Ai cũng biết ngụ ý điều Ngài làm. Ngài đang thiết lập chức tư tế mới. Ngài đang thiết lập một phẩm trật mới của những người được thánh hiến để cai trị một nướcIsrael mới, và chính Ngài sẽ không chỉ là vua mà còn là vị thượng tế.

Nên nhóm 70 người rất là quan trọng vì nó bày tỏ phẩm trật ẩn ý của Chúa Giêsu cho các môn đệ, phẩm trật của một tư tế mới, không tập trung vào Đền thờ Giê-ru-sa-lem, mà tập trung vào chính Chúa Giêsu, không tập trung vào những người con của ông A-ha-ron mà là tập trung nơi những môn đệ đã được Chúa Giêsu chỉ định.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét