Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Cứ xin thì sẽ được

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Luca 11:1-13)

Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”   Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

-------

Trích từ Dr. John Bergsma:

Hai đoạn tiếp theo Kinh Lạy Cha của bài Phúc âm hôm nay khuyến khích chúng ta (1) hãy kiên trì cầu nguyện và (2) tin cậy vào lòng quảng đại của Chúa.

Người ta có thể hỏi, nếu Chúa rộng lượng thì tại sao Chúa bắt chúng ta phải kiên trì cầu nguyện? Tại sao không ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta xin ngay lập tức? Hoặc hơn nữa, tại sao lại bắt chúng ta phải cầu xin? Tại sao không cung cấp cho chúng ta mọi thứ chúng ta muốn và cần và không cần phải xin?

Nhà triết học Eleonore Stump đã đối đầu với vấn đề này và đưa ra những câu trả lời đáng ngạc nhiên. Tiến sĩ Stump chỉ ra rằng cha mẹ cho con cái mọi thứ chúng yêu cầu, rút cục lại làm hỏng chúng. Trái lại, những cha mẹ luôn nói “không” thường làm con cái muốn xa lánh họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa là một người Cha tốt lành và sự đối thoại của việc cầu nguyện thực sự thúc đẩy mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con cái của Ngài. Trong tương quan đó, Chúa cho phép con cái tham gia vào sự hướng dẫn quan phòng của Ngài cho vũ trụ. Chúa không phải là ông bố giàu có, muốn gì cũng được hoặc Chúa là một ông già hà tiện. Chúa là người Cha khuyến khích chúng ta nói ra những nhu cầu và mong muốn của mình, và luôn tin tưởng vào sự tốt lành của Cha mình.

Món quà tuyệt vời nhất Chúa ban là chính Thánh Thần của Ngài. Đó là điều chúng ta lãnh nhận nhờ bí tích Thanh tẩy và chúng ta tiếp tục trải nghiệm sự được “đổ đầy” mới mẻ của Chúa Thánh Thần qua việc cầu nguyện và việc lãnh nhận các bí tích. Thánh Giacôbê khuyến cáo chúng ta đừng lãng phí những lời cầu nguyện cho những thứ vật chất vì lợi ích và vui thích của chúng ta (Giacôbê 4: 3); thay vì vậy, hãy tập trung lời cầu nguyện của chúng ta trong Thánh lễ này vào việc tiếp nhận Thánh Thần Chúa nhiều hơn nữa; đó là món quà tốt nhất mà Chúa có thể ban cho chúng ta.

Chuyển ngữ từ The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét