Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Chúa nhật thứ XXX Mùa Thường niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10:46-52)

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

 


 

Khởi đầu của cuộc hành trình hướng về Giê-ru-sa-lem được bắt đầu bằng việc chữa lành dần dần một người mù tại Bết-lê-hem (8: 22-26). Giờ đây, ở phần cuối của cuộc hành trình, ngay trước lối vào Giê-ru-sa-lem, là một cuộc chữa lành khác cho một người mù — lần này là tức thời và hoàn tất. Mác-cô đã đóng khung cuộc hành trình theo cách này để biểu lộ rằng nó hoàn toàn là chỉ về việc chữa lành chứng mù tâm linh của các tông đồ. Mặc dù Chúa Giê-su đã dạy họ suốt “con đường”, tại thời điểm này, khả năng nhìn, tầm nhìn của họ vẫn chỉ là một phần; họ vẫn chưa hiểu Chúa Giêsu là ai và ý nghĩa của việc theo Người. Chỉ sau khi sống lại, mắt họ mới được mở hoàn toàn.

10:46 Chúa Giê-su và những người cùng đồng hành của Ngài đến Giê-ri-cô, một thành phố cổ cách Giê-ru-sa-lem 15 dặm về phía đông bắc, nơi diễn ra cuộc chinh phục đầu tiên của Israel trong vùng đất thánh (Giô-suê 6). Sau khi đi qua thành, có một đám đông lớn cùng đi với họ, có thể bao gồm cả những người theo Chúa Giêsu và những người hành hương đang hướng về Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua (Mc 14: 1). Hàng năm, tất cả những người Do Thái ở Palestine, những người có thể làm cuộc hành hương đến thành thánh Giê-ru-sa-lem để cử hành Lễ Vượt Qua (xem Lu-ca 2:41), kỷ niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập. Batimeô (tiếng A-ram có nghĩa là con trai của Timaeus), một người mù ăn xin, ngồi nơi thuận lợi bên vệ đường, nơi anh ta có thể xin từ những người hành hương đi ngang qua. Trái ngược với đám đông lễ hội đi bộ dọc theo, anh ta ngồi, nhấn mạnh sự cô lập xã hội của mình vì là người tàn tật.

10:47 Cảm thấy có điều gì đó bất thường, Bartimaeus hỏi và được biết rằng Đức Giêsu thành Nazareth đang đi ngang qua. Rõ ràng anh ấy đã nghe đủ về người ráp-bi làm nhiều phép lạ này và đức tin của anh được khuấy động. Bartimaeus là người duy nhất được chữa lành trong Thánh sử gọi Chúa Giêsu bằng tên của Ngài. Đây cũng là lần đầu tiên trong Phúc âm, tước hiệu là con Vua Đa-vít được áp dụng cho Chúa Giê-su. Danh hiệu này có nghĩa đen là người thuộc dòng dõi của Đa-vít (xem Mátthêu1:20), nhng đối với người Do Thái, tước hiệu này có ý nghĩa cao trọng hơn nhiều: như một người thừa kế mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa, một vị Mêsia-Vua, người mà sẽ khôi phục vương quyền Đa-vít và cai trị dân Israel đến muôn đời (2 Samuen 7: 12-16; 1 Biên niên sử 17: 11-15; Tv. 89: 21-38; Giêrêmia 23: 5-6) . Hơn nữa, một trong những lời hứa liên quan đến sự xuất hiện của Đấng cứu thế là việc mở mắt cho người mù (xem Isaia 29:18; 35: 5; Lu-ca 4:18). Xin dủ lòng thương tôi là lời cầu xin thường được cất lên với Chúa trong Thánh vịnh (Tv. 6: 3; 25:16; 51: 3; 86:16). Anh mù Batimêo thực sự đã nhìn thấy rõ ràng hơn những người xung quanh.

10:48 Tuy nhiên, như thường lệ (2: 4; 7:27; 10:13) có những trở ngại trong con đường đến với Chúa Giêsu: nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Có lẽ đám rước của Chúa Giêsu ra khỏi Giê-ri-cô có vẻ trang trọng yên tĩnh, và người mù dường như đang làm náo động một cách không đúng đắn. Nhưng đó là một phản ứng bạc bẽo vì Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ chữa lành. Những người đi theo Chúa Giê-su vẫn chưa học cách đưa mọi người đến với Ngài thay vì đuổi họ đi (xem 6:36). Nhưng Batimê không nản lòng trước sự khiển trách này của quần chúng. Như người phụ nữ Syrophoenicia (7: 25-29), quyết tâm của anh được làm vững chắc hơn khi phải đối mặt với một trở ngại. Và Chúa Giê-su không thể từ chối đức tin mạnh dạn và đầy phấn khởi như vậy, ngay cả khi nó làm gián đoạn cuộc hành trình của Đấng Mêsia mà Ngài là. Chúa Giêsu là Đấng ai cũng có thể tiếp cận được: “Tất cả những ai kêu cầu danh CHÚA sẽ được cứu” (Giô-ên 3: 5; Cv 2:21). Đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su cho phép việc tung hô danh tính Mêsia của Ngài cách công khai. Cho đến thời điểm này, việc Chúa Giêsu là Đấng Mêsia là một bí mật (Mc 8:30), nhưng bây giờ khi việc sẽ hoàn thành sứ mệnh Đấng Mê-sia, Đấng sẽ chịu đau khổ đã gần kề, lúc đó nó mới được tiết lộ một cách công khai. “Chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng” (4:22).

10: 49-50 Thay vì tự mình gọi Batimê đến với Ngài, Chúa Giê-su yêu cầu những người xung quanh, đảo ngược cách hành động trước đây của họ: Gọi anh ta lại đây. Thật là trớ trêu, bây giờ họ trấn an người mù rằng: Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy — như thể Batimê là người cần được khích lệ. Câu trả lời của anh là một mẫu mực của đức tin nhiệt tình và dứt khoát: Anh đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. “Vất áo choàng lại” biểu lộ cho việc bỏ đi cuộc sống trước đây của mình, vì các Kitô hữu được mời gọi từ bỏ con người cũ khi lãnh nhận bí tíc Rửa tội và trong suốt cuộc đời của họ (Rm 13:12; Ep 4:22; Cl 3: 8-9; Dt 12: 1).

 10: 51-52 Chúa Giê-su hỏi điều tương tự mà ngài vừa hỏi Giacôbê và Gioan (10:36), thách thức Ba-ti-mê thể hiện đức tin của mình bằng hình thức cụ thể. Không giống như các con trai của Dêbêđê, Batimê không yêu cầu bất kỳ vinh dự đặc biệt nào cho bản thân, mà chỉ xin được toàn vẹn trở lại, là một phần trong lời hứa của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đáp lại như khi ngài nói với người phụ nữ bị băng huyết (5:34), Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh. Đức tin của con người là sự tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa để làm điều “không thể” thông qua Chúa Giêsu (10:27). Động từ sozo trong tiếng Hy Lạp, có cả hai nghĩa “chữa lành” và “cứu rỗi,” gợi nhớ đến sự cứu rỗi đời đời mà Chúa Giêsu đã nói trên đường đi (8:35; 10:26, 30).

Batimê được chữa lành về mặt thể xác, nhưng còn hơn thế nữa, con mắt của trái tim ông còn được soi sáng (xem Ep 1:18) — một hình ảnh về những gì xảy ra với mọi người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Anh ta thể hiện phản ứng hoàn hảo về việc đã được chữa lành: anh ta đi theo Chúa Giêsu trên con đường làm môn đồ (Mc 10:52), con đường qua cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su đến sự sống lại và sự sống vĩnh cửu. Batimê là người duy nhất nhận được sự chữa lành và tên của anh được ghi lại, cho thấy rằng anh đã trở thành Kitô hữu và được biết đến trong Giáo hội sơ khai.

Tạm dịch từ The Gospel of Mark by Dr. Mary Healy

Share: