Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

Giao ước thiết lập một mối quan hệ gia đình giữa Thiên Chúa và nhân loại -- CN tuần II Mùa Chay, năm C

Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram ; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông. Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram như sau: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát.”-- St. 15:5-12;17-18

Đây là một bài đọc rất lạ đối với nhiều người... Đây là nghi thức gì? Nó có phải là điều gì đó giống với phương pháp chữa mụn cóc nổi tiếng của Huckleberry Finn: vung vẩy một con mèo chết quanh đầu trong một nghĩa địa vào nửa đêm?

Tuy nhiên, đối với những độc giả thời xưa, các hành động được mô tả trong đoạn này có ý nghĩa đối với họ. Những con vật mà Áp-ra-ham mang đến là “động vật thanh sạch”, tức là những con vật thích hợp để hiến tế hoặc dùng cho các nghi lễ thánh theo luật Kinh Thánh. Ông chẻ đôi chúng và đặt các mảnh đối diện nhau.

Lò lửa bốc khói và ngọn đuốc xuất hiện là biểu tượng của sự hiện diện của Thiên Chúa, Chúa xuất hiện, một thần hiện (theophany). Việc đi qua giữa các mảnh động vật có một ý nghĩa đã được thiết lập trong vùng Cận Đông cổ đại: ai đi qua giữa các mảnh động vật đang tuyên bố rằng: ”Nguyện tôi bị giết như những con vật này nếu tôi không giữ những cam kết của giao ước mà tôi đang lập.”

Bằng sự hiện diện của mình (biểu trưng qua nồi lửa và đuốc) đi giữa các con vật, Thiên Chúa đang nói với Áp-ra-ham: “Ta tự đặt trên mình một lời nguyền chết chóc nếu Ta không thực hiện những lời Ta hứa với ngươi lúc này.”

Việc Thiên Chúa có thể tự đặt lên mình một lời nguyền chết chóc là một mầu nhiệm vĩ đại, nhưng điều này gợi ra một số chủ đề trong Tân Ước, chẳng hạn như lời của Thánh Phaolô: “Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự nguyền rủa của Lề Luật bằng cách trở thành kẻ bị nguyền rủa thay cho chúng ta—vì có lời chép rằng: ‘Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ.’” (Galát 3:13)

Giao ước là mối quan hệ gia đình được thiết lập giữa hai người không có quan hệ huyết thống thông qua lời thề.

Trong sách Sáng Thế chương 15, nghi thức đi qua giữa các con vật là một lời thề không lời (oath-ritual), giúp thiết lập một mối quan hệ gia đình giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham. Hầu hết các giao ước đều có những lời hứa cụ thể về cách hai bên sẽ đối xử với nhau như người trong gia đình. Lời hứa cụ thể trong giao ước này là Thiên Chúa (người Cha trong giao ước) sẽ ban cho Áp-ra-ham (người Con trong giao ước) toàn bộ đất Canaan.

Trong một phần của câu chuyện bị lược bỏ trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa đã tiên báo về cuộc Xuất Hành khi Ngài di chuyển giữa các mảnh hiến tế:

“Ngươi phải biết rằng : dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản.” (Sáng Thế 15:13–14)

Thật đáng tiếc khi những câu này bị lược bỏ, bởi vì chúng làm rõ chủ đề Xuất Hành, chủ đề kết nối các bài đọc với nhau. Sự kiện thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham trong Sáng Thế chương 15 chính là hình bóng báo trước về giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel tại núi Sinai (Xuất Hành 19–24).

Trong Sáng Thế Ký 15 và tại núi Sinai (Xuất Hành 19–20), sự hiện diện của Chúa được biểu lộ Híp-ri, từ “chớp sáng” và “đuốc” có cùng một nghĩa). Trong cả hai sự kiện, một giao ước được lập. Trong cả hai sự kiện, lời hứa của giao ước là đất Canaan (vùng đất Hứa). Trong cả hai sự kiện, động vật bị sát tế để long trọng hóa giao ước.

Bài đọc này cung cấp cho chúng ta bối cảnh nền tảng để hiểu về Xuất Hành và Lễ Vượt Qua. Những sự kiện này đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ hàng trăm năm trước khi chúng xảy ra. Thật vậy, Lễ Vượt Qua và cuộc Xuất Hành chính là sự hoàn thành những lời hứa trong giao ước mà Thiên Chúa đã lập với Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Israel, từ thuở rất lâu trước khi họ than khóc với Chúa trong cảnh nô lệ.

Xuất Hành và Lễ Vượt Qua là những chủ đề quan trọng trong Mùa Chay, khi chúng ta chuẩn bị để sống lại biến cố vượt qua Biển Đỏ trong Bí tích Rửa Tội, và Lễ Vượt Qua trong Bí tích Thánh Thể của Lễ Phục Sinh. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Related Posts:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Tiêu đề

Blog Archive